Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Mô hình trang trại: Hướng phát triển chăn nuôi bền vững

2022-06-03 16:00:00.0

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua, TP Sông Công đã vận động, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại đang là hướng đi tại TP Sông Công

Thực tế những năm gần đây cho thấy, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển dịch theo hướng chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh và liên kết bao tiêu sản phẩm. Tinh đến nay, TP Sông Công có 125 trang trại chăn nuôi, tăng 13 trang trại so với năm 2020, chủ yếu là gà và lợn, tập trung ở các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn... Trong đó, trên 90% trang trại có liên kết với các công ty như: Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty JapFa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Newstar... mang lại hiệu quả kinh tế. Các trang trại hiện đang giải quyết việc làm cho trên 200 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân đạt 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX chăn nuôi xanh cho biết: Sau gần 5 năm hoạt động, đến nay, Hợp tác xã Chăn nuôi xanh, thuộc tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn đã xây dựng được mô hình trang trại chăn nuôi khép kín theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã xuất bán ra thị trường hơn 1.000 con lợn thương phẩm, doanh thu đạt trên 600 triệu đồng. Nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, quy trình chăn nuôi được các thành viên hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt. Các loại cám công nghiệp được loại bỏ, thay vào đó là sử dụng thức ăn sinh học được phối trộn gồm cám, rau xanh tự trồng, đậu khô, axit amin… tạo thành hỗn hợp ủ men rồi mới cho lợn ăn. Với hình thức chăn nuôi này, sản phẩm thịt lợn của Hợp tác xã đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình đệm lót sinh học giúp giảm chi phí, tăng năng suất trong chăn nuôi

Một giải pháp hữu hiệu mà một số trang trại, gia trại trên địa bàn TP Sông Công đã ứng dụng, đó là mô hình chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học. Mô hình bước đầu mở ra hướng đi đúng đắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bớt rủi ro cho người chăn nuôi, hướng tới chăn nuôi sạch. triển khai thí điểm trên 40 mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà và lợn. Các mô hình trên sau khi được áp dụng, triển khai đã cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế vi khuẩn gây hại trong chăn nuôi, giúp người dân tiết kiệm khoảng 13 - 20% chi phí và đặc biệt rất phù hợp với chăn nuôi nông hộ ở khu dân cư.

 Tham quan mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Đặng Văn Bắc, ở TDP Kè, phường Phố Cò chúng tôi thấy: Chuồng trại chăn nuôi không có mùi hôi thối, không có chất thải thải ra, vì vậy không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho con người và vật nuôi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.

Thực hiện mô hình này, gia đình ông Bắc chỉ cần rải lớp trấu dày 30 cm, phun nước sạch lên, dùng cào đảo cho khối nguyên liệu ẩm đều và làm phẳng mặt đạt độ ẩm 40%, tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần cám ngô có trong dịch men lên trấu; tiếp tục rải mùn cưa dầy 30 cm lên lớp trấu; phun nước sạch và đảo đến khi đạt độ ẩm 30%, rải đều 5 kg cám ngô qua xử lý, tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa, làm phẳng, quá trình lên men được thực hiện. Qua thời gian thực hiện mô hình cho thấy: lợn nuôi trên nền đệm lót sinh học ít bị mắc bệnh và ít bị tái phát bệnh hơn so với lợn nuôi trên nền xi măng. Nguyên nhân là do chăn nuôi trên đệm lót sinh học đã tạo một môi trường có tiểu khí hậu tốt, trong sạch không ô nhiễm. Khả năng tăng trọng của đàn lợn nuôi trên nền đệm lót tăng 1,3 - 1,4 kg/con/lứa. Giảm chi phí thuốc thú y từ 15 - 17 nghìn đồng/con/lứa. Trong suốt quá trình nuôi, gia đình ông không phải dọn chuồng, giảm 80% công lao động do đó giảm được khá nhiều chi phí, giảm chi phí thuốc thú y, công lao động...

Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp như hiện nay, việc chăn nuôi theo hình thức trang trại đã hạn chế được rủi ro bởi dịch bệnh, vấn đề môi trường từng bước được đảm bảo. Cùng với đó, người dân còn được tiếp cận với các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhằm khuyến khích, vận động nhân dân chăn nuôi theo hình thức này, cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thành phố cũng đã tư vấn, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại phù hợp. Đặc biệt, thành phố cũng hướng dẫn người dân ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn và hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học như: Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải, sử dụng đệm lót sinh học, làm hầm biogas, ủ phân bằng các chế phẩm sinh học... Trong 3 năm gần đây, thành phố đã hỗ trợ người dân xây dựng trên 400 công trình hầm ủ khí sinh học biogas; triển khai thí điểm trên 40 mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà và lợn. Các mô hình trên sau khi được áp dụng, triển khai đã cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế vi khuẩn gây hại trong chăn nuôi, giúp người dân tiết kiệm chi phí, phù hợp với điều kiện gia đình.

Ông Ngô Quảng Bá, trưởng phòng kinh tế thành phố thông tin thêm: Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp nên tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội ngành đạt 55%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 9.000 tấn. Để ngành chăn nuôi tiếp tục mang lại hiệu quả, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp như quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp; khuyến khích các doanh nghiệp tích ực chuyển giao công nghệ tiến tiến, hiện đại vào lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện tích tụ đất đai để phát triển trang trại tập trung. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt 60% cơ cấu nội ngành, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 9.8000 tấn; phấn đấu có 1-3 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và tập trung…

 

MT



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3244482