Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật đáp ứng xu thế làm báo hiện đại

2021-12-24 14:33:00.0

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các cơ quan báo chí và các bộ, ban, ngành Trung ương. Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí của tỉnh.

Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 114 báo thực hiện 02 loại hình, 116 tạp chí thực hiện 02 loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình; 316 tạp chí khoa học, chủ yếu thực hiện loại hình in. Theo thống kê, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 40.000 người, trong đó có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025.

Công tác thông tin trên báo chí đã chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt, nhiều thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thống nhất nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội. Các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026… Hình thức thể hiện đa dạng, từ tin, bài phản ánh, phỏng vấn, phân tích sâu, Infographic và được thiết kế ấn tượng. Thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác về công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân. Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú. Nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư nâng cao chất lượng bài báo, trang báo, kênh chương trình, thực hiện bản tin, chương trình trực tiếp, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội lớn, được đông đảo dư luận quan tâm, hoan nghênh. Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, kịp thời hơn, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn và có trọng tâm, trọng điểm. Việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch đã cơ bản hoàn thành, đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương và 31 cơ quan báo thuộc các địa phương (tỷ lệ giảm là 36%)…

Tuy nhiên, hoạt động báo chí còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm như: Thông tin trên báo chí chưa toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội; số lượng các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích vẫn còn nhiều, chủ yếu là tạp chí. Một số cơ quan báo chí giật tít sai lệch bản chất vấn đề, gián tiếp gây nghi ngại, căng thẳng không đúng với tình hình thực tế, tạo thêm cộng hưởng tiêu cực trên không gian mạng xã hội. Vẫn còn tình trạng một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác chỉ đạo chuyên môn, không chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Tại Hội nghị, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tham luận về các giải pháp, kinh nghiệm tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; phát huy vai trò của báo chí trong kết nối cử tri với các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; truyền thông đa phương tiện,

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những đóng góp của các phóng viên, nhà báo trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là những phóng viên, nhà báo đã trực tiếp tham gia tác nghiệp trong đợt dịch COVID-19; đồng thời nêu một số định hướng trọng tâm về công tác báo chí trong thời gian tới như: Tăng cường công tác chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, việc thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; chủ động thông tin nhanh nhạy, minh bạch nhằm định hướng thông tin đối với độc giả. Ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài. Tiếp tục sắp xếp, quy hoạch để báo chí phát triển, thực sự là tiếng nói của Nhân dân; đánh giá thực hiện quy hoạch báo chí để  rút ra kinh nghiệm cho thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục động viên, tuyên truyền, vận động toàn dân chống dịch tốt và chuẩn bị Tết Nguyên đán 2022 đầm ấm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19…

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3244482