Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Thái Nguyên từ ngày 23/5 đến ngày 29/5/2022

2022-05-29 17:04:00.0

1. Ngày 23/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc chủ động sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, UBND thành phố Thái Nguyên và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn đối với các mỏ khai thác khoáng sản, bãi đổ thải, hồ chứa bùn thải, đặc biệt là các khu vực mỏ có nguy cơ mất an toàn như: Mỏ than Minh Tiến, Mỏ sắt Trại Cau, Mỏ than Phấn Mễ, Mỏ than Khánh Hòa, Mỏ sắt Tiến Bộ, Mỏ sắt Đại Khai, Mỏ than Bá Sơn…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngay Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên kiểm tra, điều tiết các hồ chứa thủy lợi, đảm bảo vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ lưu, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

UBND các huyện, thành phố triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản; triển khai ngay phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đá… đến nơi an toàn.Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; tiếp nhận, truyền tải thông tin xả lũ hồ chứa nước đến người dân trong khu vực hạ du có nguy cơ bị ảnh hưởng để chủ động phòng tránh, ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả do mưa, lũ gây ra.

2. Ngày 24/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2207/UBND-TH về việc tiếp tục rà soát danh mục và khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại công văn trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung Công điện số 452/CĐ-TTg ngày 22/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương và nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh để tổ chức triển khai hiệu quả, đúng quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh giao: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo tiến độ và đúng quy định pháp luật; đối với các nội dung vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh xem xét theo quy định.Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện, sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư, đảm bảo đúng thời hạn theo yêu cầu tại Công văn số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đã được thông báo dự kiến đầu tư cho tỉnh Thái Nguyên từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương.

3. Ngày 24/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2209/UBND-CNNXD về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chặt chẽ đất rừng, diện tích rừng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức rà soát, kiểm tra toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, xử lý trách nhiệm của chủ rừng và tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, đào bới, san ủi làm mất hiện trạng rừng, khai thác rừng trái pháp luật; rà soát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cấp xã trong việc chậm thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất; chỉ đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa thực hiện quản lý nghiêm diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ theo hiện trạng đất và rừng hiện đang được giao quản lý, có phương án bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm soát phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh điều tra, làm rõ các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng để xử lý theo quy định.

UBND các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch phê duyệt, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, đăng ký nhu cầu giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê rừng; chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) lập kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đồng thời với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…

4. Ngày 25/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2220/UBND-KGVX về việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt lao động, triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo nội dung công văn, Chủ tịchUBND tỉnh chỉ đạo: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu các giải pháp giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện việc duy trì, thu hút lao động vào làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, tổ chức thông tin, điều tiết kết nối cung - cầu lao động, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động;chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan rà soát, thực hiện các chính sách còn hiệu lực theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch COVID-19; chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp và tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung UBND tỉnh đã ủy quyền tại Quyết định số 949/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 đảm bảo phù hợp, kịp thời, đúng quy định.

5. Ngày 23/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2193/UBND-CNNXD về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng cho phép người dân được tự xây dựng nhà ở.

UBND tỉnh giao: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp số liệu, đánh giá tình hình thực hiện tại các dự án đã có quyết định cho phép người dân tự xây dựng nhà ở tính đến thời điểm ngày 31/3/2022; báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng trước ngày 25/6/2022.Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố cùng các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án khu đô thị có nhà ở đảm bảo việc quy định cho phép người dân tự xây dựng nhà ở và tổ chức thực hiện phù hợp với chủ trương đầu tư và các văn bản pháp lý của dự án; phù hợp với cấp độ quy hoạch đô thị; tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở, nhà ở xã hội; đồng thời tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp chưa tuân thủ đúng, đủ quy định pháp luật (nếu có).

6. Ngày 26/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2261/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Tại Công văn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố khẩn trương tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng; chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng…

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt là nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh trong trường học; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, môi trường; vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Ngoài ra, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý kịp thời.

7. Ngày 23/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2182/UBND-NC về việc sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thu gọn điểm trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong quý II năm 2022 để sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thu gọn điểm trường có đủ điều kiện trong giai đoạn 2022 - 2025; tăng cường nguồn lực đầu tư đáp ứng các điều kiện cần thiết để tiến hành sáp nhập trường, điểm trường, dồn ghép lớp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận đối với chủ trương xóa điểm trường lẻ, sáp nhập trường, dồn ghép lớp trên địa bàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thu gọn điểm trường giai đoạn 2022 - 2025; định kỳ ngày 15 tháng 12 hằng năm tổng hợp tiến độ triển khai, báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện đồng bộ và hiệu quả.Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng bản đồ số đối với các trường, các điểm trường để quản lý một cách có hiệu quả việc chia tách, sáp nhập các trường, điểm trường.

Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến đối với tờ trình, đề án sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của UBND các huyện, thành phố giai đoạn 2022 - 2025, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3244480