Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh từ ngày 01/4 đến 15/4/2021

2021-04-15 09:28:00.0

 

* Ngày 05/4, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ thị:

Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo thẩm quyền.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng kế hoạch ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, việc thực thi các quy định pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại. Hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về loài ngoại lai xâm hại; xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận dạng loài ngoại lai xâm hại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc không nhập khẩu, kinh doanh, nuôi trồng, phát triển, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại. Chủ động thông tin, báo cáo kịp thời khi phát hiện hoặc có sự bùng phát lây lan của loài ngoại lai xâm hại.

*Ngày 05/4, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ thị:

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi, địa bàn quản lý xong trước ngày 31/7/2021 và tham mưu, triển khai các biện pháp kiểm soát ô nhiễm theo thẩm quyền; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định pháp luật đối với các đơn vị thi công xây dựng không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường không khí.

Yêu cầu các doanh nghiệp, các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đảm bảo bố trí đủ kinh phí để đầu tư xây dựng và duy trì vận hành hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường.

*Ngày 05/4, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ thị:

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn cụ thể. Nghiên cứu giải pháp xử lý rác thải quy mô liên huyện, áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để tái chế, thu hồi tài nguyên, năng lượng từ rác thải nhằm phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%. Thực hiện nghiêm công tác thẩm định, đánh giá các tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý chất thải rắn để quản lý các phương tiện, tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải nguy hại, rác thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý chất thải trong Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày ngày 24/02/2021.

Các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn, áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến hiện đại, tận dụng các thành phần có ích trong chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý, thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

*Ngày 02/4, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tổ chức luyện tập, diễn tập quân sự năm 2021.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt một số nội dung, cụ thể như  sau: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Phân công cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và kinh nghiệm tham gia Ban Chỉ đạo, Ban Nội dung, đạo diễn diễn tập ở các cấp theo đúng quy định, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tổ chức luyện tập chỉ huy - cơ quan 1 bên 2 cấp trên bản đồ cấp tỉnh và tham gia luyện tập chỉ huy - tham mưu 1 bên 2 cấp trên bản đồ với Quân khu; chỉ đạo cơ quan quân sự thuộc quyền tham mưu tổ chức luyện tập, diễn tập động viên theo kế hoạch. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan khảo sát, lựa chọn khu vực diễn tập và sẵn sàng tham gia “Diễn tập phòng thủ dân sự ứng cứu sự cố hóa học, môi trường” do cấp trên tổ chức trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo diễn tập tỉnh xây dựng các văn kiện chỉ đạo diễn tập; phối hợp với các cơ quan, đơn vị xác định vị trí các khu vực diễn tập; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị và thực hành diễn tập đúng ý định của Ban Chỉ đạo, sát thực tế.

Các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo, tổ chức luyện tập, diễn tập năm 2021 sát với thực tế, đạt kết quả cao

*Ngày 01/4, UBND tỉnh ban hành Công văn 1286/UBND-CNN về tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau:

1. Tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

2. Công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

3. Thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

4. Có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản… thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

* Ngày 08/4, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1416/UBND-NC về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, nhà của hộ gia đình dùng để ở và kết hợp sản xuất, kinh doanh.

UBND tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý các cơ sở quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; trong đó, có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300 m2; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp  PCCC&CNCH đối với khu dân cư, nhà ở của hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh.

2. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH; Công an các huyện, thành phố, thị xã; Công an các xã, phường, thị trấn làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp triển khai thực hiện các biện pháp PCCC&CNCH đối với khu dân cư, nhà ở của hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát nạn, trang bị phương tiện PCCC phù hợp với khu dân cư, nhà ở của hộ gia đình.

3. Các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn; cảnh báo, khuyến cáo về PCCC&CNCH; phản ánh gương người tốt, việc tốt, phê phán các tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về PCCC.

*Ngày 08/4, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1419/UBND-NC về triển khai nhiệm vụ cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số B1 năm 2021.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện một số công việc trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện các quy định chưa phù hợp, tạo gánh nặng, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Phí và lệ phí xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

2. Rà soát, lập danh mục các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có nội dung chưa rõ, khó hiểu, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu khả thi, khó tuân thủ để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.

3. Công bố kịp thời, đầy đủ, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, các nội dung sửa đổi, bổ sung, các quy định mới trong các lĩnh vực kinh doanh dễ làm phát sinh các chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật.

4. Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các mô hình hoạt động trong thực tiễn nhằm thu thập, cập nhật thông tin, tiếp nhận ý kiến phản ánh của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh như Cà phê Doanh nhân, Câu lạc bộ các doanh nghiệp trẻ..., nhằm tăng cường hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

5. Chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị. Trường hợp không giải quyết được thì phải có văn bản giải thích, thông tin trả lời rõ ràng cho doanh nghiệp được biết.

6. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp nêu tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

7. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ bưu chính trong thực hiện tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 trong tình hình mới.

*Ngày 08/4, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1402/UBND-TTPVHCC về thực hiện Văn bản số 2161/KSTT-VPCP về việc cung cấp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

UBND tỉnh yêu cầu:

Trên cơ sở các dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân đã triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, nghiên cứu, đưa ra các hình thức tuyên truyền phù hợp để thu hút người dân sử dụng dịch vụ; có giải pháp hướng dẫn cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong quá trình tìm hiểu và thực hiện dịch vụ.

Nghiên cứu quy trình nghiệp vụ tại Phụ lục kèm theo Văn bản số 2161/KSTT-VPCP để phối hợp giải quyết các hồ sơ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia đảm bảo thời gian, quy trình giải quyết theo quy định. Tăng cường sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, hòm thư điện tử… để thông tin đến người dân một cách nhanh chóng, thuận thiện, giảm chi phí đi lại trong quá trình thực hiện giao dịch.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục thuế tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật kết nối, tích hợp tại Phụ lục kèm theo Văn bản số 2161/KSTT-VPCP rà soát, đảm bảo tiếp tục duy trì kết nối, tích hợp để việc cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được thông suốt, hiệu quả.

*UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội:

- Ngày 05/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

- Ngày 13/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND triển khai thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Thu Hà (tổng hợp, biên tập)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3244038