Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

LAN TỎA PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI

2022-07-08 10:40:00.0

“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào thi đua được các cấp Hội nông dân trên địa bàn thành phố Sông Công triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm vừa qua. Phong trào đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong hội viên, nông dân của thành phố Sông Công. 

 

Trước đây, gia đình anh gia đình anh Đồng Văn Vinh, là một hộ nghèo ở xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên, TP Sông Công. Nhờ nỗ lực đồng cam cộng khổ, vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình tiêu biểu. Anh Đồng Văn Vinh chia sẻ: Với diện tích đất sản xuất rộng 1 héc ta, nhưng trước đây, là một trong số các hộ rất khó khăn, phải đi làm thuê nhiều năm mà vẫn đứt bữa, khổ lắm. Từ năm 2000 hai vợ chồng anh vừa đi làm thuê và vừa học thêm kinh nghiệm từ ông Hoàng Văn Tung, nguyên chi hội trưởng nông dân xóm – một tấm gương về phát triển kinh tế trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật tiêu biểu ở địa phương. Nhờ sự nỗ lực vượt khó, ham học hỏi, dần dần gia đình anh Vinh thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình.

Sau hơn 10 năm vun trồng, mô hình kinh tế của gia đình anh Vinh đã có 500 gốc bưởi diễn, 700 gốc ổi lai lê, hàng nghìn cây quất ăn quả và quất cảnh, cây dứa trồng xen canh và 30 thùng ong lấy mật. Thu nhập từ mô hình đã cải thiện rõ rệt cuộc sống cho gia đình.

 

Ảnh: Mô hình vườn cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế ổn định cho gia đình anh Đồng Văn Vinh, xóm Lý Nhân,

xã Bá Xuyên, TPSC

 

 Mô hình kinh tế của gia đình chị Vũ Thị Tuyết Nhung- ở TDP Pha, phường Lương Sơn đã thành công khi biết bhai thác lợi thế diện tích trên 15.000m2 và chuyên môn thú y, để xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp khép kín, đại lý thức ăn, thuốc thú y, chăn nuôi gà thương phẩm. Chị Vũ Thị Tuyết Nhung- TDP Pha, Phường Lương Sơn-TPSC cho biết: “ Gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng  trại chăn nuôi với quy mô sản xuất: 9 vạn gà/ năm, 600 lợn/ năm và dịch vụ thú y cho các trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 20 tỷ đồng, thu nhập đạt  1.8 tỷ đồng. Tạo việc làm cho 16 người với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/ tháng. Tư vấn, hỗ trợ KHKT 80 hộ/năm. Đặc biệt, gia đình chị đang tích cực áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi như hệ thống van nước tự động, máng ăn, hệ thống làm mát, cách khử mùi hôi chuồng gà và xử lý phân gà vi sinh để đảm bảo môi trường,  …từ đó, duy trì giá trị sản xuất chăn nuôi hiệu quả hơn’’. Mô hình kinh tế của gia đình chị Nhung nhiều năm liên tục được UBND tỉnh, thành phố khen thưởng hộ sxkd giỏi.

Ảnh: Mô hình chăn nuôi gà hiệu quả của gia đình chị Vũ Thị Tuyết Nhung- ở TDP Pha, phường Lương Sơn,

TP Sông Công

     Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sông Công cho biết: Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với thực tế mỗi địa phương. Đồng thời, đổi mới và vận dụng linh hoạt các hình thức hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Thông qua phong trào, nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập; xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Giai đoạn 2019-2022, trong tổng số trên 3.400 hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã có 7 hộ đạt danh hiệu cấp trung ương, 72 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 498 hộ đạt danh hiệu cấp thành phố...

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Minh Xuân- PCT UBND thành phố trao giấy khen cho các cá nhân được khen thưởng trong Phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2019-2022.

    Nhằm khuyến khích, động viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế, Hội Nông dân thành phố cũng đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các ngồn vốn vay. Đến nay, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đang triển khai trên địa bàn thành phố trên 4,2 tỷ đồng, thực hiện 10 dự án giúp cho 102 hộ hội viên nông dân vay vốn; dư nợ ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức Hội trên 53 tỷ đồng, cho 954 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với dư nợ trên 30 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 205 hộ vay vốn...

     Các cấp hội cũng đã tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, thành lập các câu lạc bộ, tổ nhóm liên kết. Từ năm 2019 đến nay, các cấp hội đã phối hợp thành lập được 3 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác, 2 chi hội nghề nghiệp và 5 tổ hội nghề nghiệp. Các mô hình kinh tế tập thể này đã và đang cho hiệu quả kinh tế, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Anh Phạm Văn Tiến, thành viên Hợp tác xã Trà Cao Sơn, xã Bình Sơn cho hay: Việc tham gia hợp tác xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, chúng tôi đã nắm vững quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, đưa  giá thành sản phẩm trung bình tăng từ 150-200 nghìn đồng/kg lên 400-500 nghìn đồng/kg.

Ảnh: Đồng chí Vũ Duy Nghĩa- PBT Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo các đơn vị của thành phố thăm  gian hàng giới thiệu sản phẩm ocop Trà Cao Sơn 

     Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được triển khai trên địa bàn TP. Sông Công đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng nếp sống văn minh tại khu dân cư. Giai đoạn 2019 - 2022, toàn thành phố có 179 hộ nghèo được giúp đỡ thoát nghèo; 300 hộ nghèo được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, ngày công lao động với tổng trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng; tạo việc làm cho gần 3.000 lao động địa phương. Hội viên nông dân cũng đã hiến trên 12.000mđất và hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác; xây dựng 12 mô hình tự quản về an ninh trật tự… Những kết quả đạt được từ phong trào này đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

TD

 

 

 

    

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3244480