Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp dân gắn với giải quyết nhanh các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Ủy ban nhân dân phường Bách Quang.

2021-09-08 08:48:00.0

Ủy ban nhân dân phường Bách Quang là đơn vị hành chính được thành lập theo Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 13/01/2011 của Chính phủ. Phường Bách Quang cách trung tâm thành phố Sông Công 1 km về phía Tây Nam, có vị trí địa lý khá thuận lợi, có khu công nghiệp tập trung đóng trên địa bàn phường, có đường Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên chạy qua và có đường Cách mạng Tháng 10 là cửa ngõ đi vào thành phố Sông Công, có địa hình và đường giao thông thuận tiện. Đây là điều kiện, cơ hội cho phường Bách Quang trong quá trình phát triển và giao lưu kinh tế, thương mại. Tổng diện tích tự nhiên: 8,525 km²; trong đó: đất ở 0,405 km², đất nông nghiệp 5,674 km², đất chuyên dùng 2,274 km².

Trung tâm hành chính của phường đặt tại tổ dân phố Khu Yên, phường Bách Quang thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Trên địa bàn phường có 13 tổ dân phố, có 9 cơ quan hành chính nhà nước, có trường Trung học cơ sở Bách Quang, trường Tiểu học Bách Quang, trường Mầm Non Bách Quang và 03 trường Mầm non Tư thục Họa Mi và trường Mầm non Tư thục Bình Minh, trường Mầm non Hoa Hướng Dương.

UBND phường Bách Quang là nơi đại bộ phận nhân dân cư trú, sinh sống, chính quyền cấp xã có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bác Hồ đã từng nói: “Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”.

Trong những năm qua, Đảng bộ phường Bách Quang luôn quan tâm xây dựng bộ máy chính quyền cấp xã thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đội ngũ cán bộ công chức chính quyền cấp xã có một vai trò rất quan trọng, bởi đội ngũ cán bộ công chức cấp xã là lực lượng nòng cốt trong tổ chức, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, giữa công dân với Nhà nước. Công chức cấp xã là những người trực tiếp tiếp xúc với nhân dân hàng ngày, giải đáp, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đưa đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư và khai thác tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay trình độ năng lực của cán bộ công chức cấp xã phường được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc trực quan nhiều lúc còn yếu từ đó việc tuyên truyền triển khai các chủ trương chính sách còn nhiều hạn chế, chưa thuyết phục sự đồng thuận của nhân dân. Điều quan trọng nhất là đa phần do cán bộ chưa được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn Lý luận Chính trị, Quản lý Hành chính nhà nước nên hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng bộ và nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu đề ra cần phải nâng cao hiệu quả tiếp công dân gắn liền với giải quyết nhanh các thủ tục hành chính nhằm trang bị cho cán bộ, công chức những kiến thức về chuyên môn, nâng cao trình độ Lý luận Chính trị, Quản lý Hành chính nhà nước, những kỹ năng nghiệp vụ tin học văn phòng, để đảm nhiệm công tác, giải quyết công việc chặt chẽ, đúng pháp luật tạo lòng tin vững chắc trong nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là gốc mọi công việc, công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

( Ảnh Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả Ủy ban nhân dân phường Bách Quang)

Luật tiếp công dân được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2013, gồm có 9 Chương và 36 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Theo khoản 1, Điều 2 của Luật quy định: Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.

Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiếp công dân;

Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình tiếp công dân;

Quy định số 11- QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Ban chấp hành Trung ương quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Theo khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính: “Thủ tục hành chính” là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức. Thủ tục hành chính là tổng thể các quy phạm bắt buộc phải tuân theo khi tiến hành thành lập, thay đổi, giải thể, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phạm vi hoạt động của các tổ chức, khi ban hành các văn bản hành chính, khi thực hiện các hành vi hành chính; khi các công dân, các tổ chức quần chúng xã hội tiến hành những công việc đòi hỏi có sự chứng kiến, chứng nhận, giúp đỡ, can thiệp của các cơ quan và cán bộ, nhân viên nhà nước. Thủ tục hành chính thuận tiện, đơn giản là một trong những điều kiện giúp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Ngược lại, thủ tục hành chính rườm rà, nặng nề không những gây ra tổn phí về sức người, sức của, của ngân sách nhà nước, tài sản xã hội, kìm hãm sự năng động trong hoạt động mọi mặt đời sống mà còn là điều kiện thuận lợi cho nạn tham ô, nhũng nhiễu phát sinh, phát triển. Hoàn thiện, cải tiến thủ tục hành chính nhằm làm cho các thủ tục hành chính trở nên đơn giản, dễ làm, thuận tiện cho dân là một trong những phương hướng cải cách nền hành chính quốc gia.

Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. Địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai và đạt được một số kết quả quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, thiết lập và vận hành nền hành chính phục vụ, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Những kết quả này đã góp phần từng bước làm thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền và người dân; giảm bớt những phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp của cơ quan nhà nước các cấp vẫn còn nhiều hạn chế. Vẫn còn những thủ tục hành chính là rào cản ảnh hưởng tới nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng. Chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương còn hình thức; người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần đến cơ quan nhà nước để giải quyết một công việc. Tình trạng giải quyết hồ sơ chậm trễ, quá thời hạn quy định chưa được khắc phục; nhiều hồ sơ thủ tục hành chính liên thông, đặc biệt là liên thông từ địa phương lên thành phố không bảo đảm được thời gian giải quyết theo quy định, vẫn còn tình trạng cắt khúc, thiếu liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư đã được Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, các vụ việc đã được xem xét giải quyết theo trình tự đúng quy định của pháp luật, nhiều vụ việc đã được giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của công dân. Ủy ban nhân dân phường đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố, của Đảng ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời tăng cường, kiểm tra, giám sát các bộ phận chuyên môn trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân. Từ đầu năm đến  nay đã tiếp nhận 8 đơn kiến nghị đề nghị liên quan đến đất đai, xây dựng, tất cả công dân đến kiến nghị đều được hướng dẫn tiếp nhận, phân loại nội dung trình lãnh đạo và chuyển ngay cho cán bộ chuyên môn tham mưu giải quyết, kết quả hồ sơ đều được giải quyết theo đúng quy định. Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển đô thị hóa nhanh, phát triển mở rộng khu công nghiệp Sông Công I, ô nhiễm môi trường, quy hoạch, quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, trật tự an toàn xã hội, thực hiện quy chế dân chủ,… đã có tác động không nhỏ đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Việc tiếp công dân của UBND phường được thực hiện theo đúng khoản 2, Điều 16, Luật tiếp công dân. Việc bố trí trụ sở Tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân, chế độ bồi dưỡng, trang phục tiếp công dân; việc bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm công tác tiếp công dân; Việc thực hiện tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường Bách Quang thường xuyên tiếp công dân tại phòng Tiếp công dân của phường (theo khoản 3, Điều 13, Luật Tiếp công dân). Phường bố trí, sắp xếp phòng tiếp công dân phường cùng với phòng trực lãnh đạo với diện tích 25m², cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo điều kiện trực và tiếp công dân theo quy định. Việc cấp kinh phí, chi trả chế độ bồi dưỡng trang phục tiếp công dân đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định tại Thông tư 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phường chưa được thực hiện. Bộ phận Tiếp công dân phường được thành lập gồm 3 đồng chí và 01 công chức giúp việc. Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế tiếp công dân, tinh thần trách nhiệm và được phân công lịch trực tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở theo quy định. Uỷ ban nhân dân phường yêu cầu Công an phường có trách nhiệm phối hợp với Bộ phận tiếp công dân, Văn phòng Đảng uỷ, công chức Văn phòng - Thống kê và các bộ phận có liên quan đảm bảo an ninh, trật tự tại các buổi tiếp công dân, có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống phức tạp phát sinh. Nếu có những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, Ủy ban nhân dân phường chỉ đạo các bộ phận có liên quan rà soát trình tự giải quyết, đánh giá nội dung vụ việc để thống nhất và đề xuất phương án giải quyết đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, tính chất từng vụ việc trước khi ban hành quyết định, kết luận giải quyết. Ủy ban nhân dân phường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các bộ phận chuyên môn thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân; kịp thời xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhất là các vụ việc phức tạp, mới phát sinh thông qua việc thành lập các tổ công tác, đoàn đánh giá nội bộ thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính trong đó có công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư của phường. Công tác báo cáo tình hình, kết quả tiếp công dân với Thanh tra thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định và khi có yêu cầu được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng tiến độ và đúng quy định của Thông tư 03/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Việc xây dựng kế hoạch, lịch tiếp công dân định kỳ và công khai lịch tiếp công dân định kỳ của thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường thực hiện tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ 6 hàng tuần theo nội quy đã ban hành và thực hiện tiếp đột xuất trong các trường hợp khác theo quy định. Lịch tiếp công dân được công khai tại Bảng thông báo của phòng Tiếp công dân.

Nhìn chung, thời gian qua bộ phận một cửa và một cửa liên thông đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân. Kịp thời nắm bắt, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của dân trong các vấn đề có liên quan được phân công. Công chức chuyên môn thực hiện tốt việc hướng dẫn công dân trong các vấn đề về khiếu nại, tố cáo, giải thích rõ những vấn đề nào là thuộc thẩm quyền giải quyết, các thủ tục, văn bản mà công dân cần chuẩn bị trong quá trình giải quyết đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức đến giao dịch theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thông qua quá trình tiếp dân, cán bộ, công chức phụ trách chuyên môn đã làm tốt việc giải thích, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, nhận thức của người dân ngày được nâng lên, hành động, xử sự đúng theo pháp luật, làm tốt nghĩa vụ công dân đối với nhà nước.

Mặt khác, khi tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của công dân, tổ chức đến giao dịch về thái độ phục vụ, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thì cán bộ, công chức tham mưu kịp thời cho lãnh đạo xem xét giải quyết hoặc chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng các nhu cầu chính đáng của người dân, từ đó làm cho công dân ngày càng tin tưởng vào năng lực phục vụ của chính quyền địa phương. Có lẽ rằng, việc tiếp công dân không đơn thuần là việc phục vụ nhu cầu công dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của người dân khi đến kiến nghị đề nghị, mà ở đây phải là sự phối hợp nhẹ nhàng, linh hoạt và phải có thái độ chuẩn mực của người cán bộ công chức khi người dân đến giao dịch công việc. Hàng ngày tiếp xúc với cá nhân, tổ chức đến yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, việc tiếp công dân tại phòng tiếp công dân là một vấn đề đáng được quan tâm, khối lượng công việc, công chức phân công phụ trách, đặc thù cấp xã phường không có cán bộ, công chức chuyên môn tiếp công dân mà cán bộ, công chức là một trong số cán bộ, công chức đang làm công tác, chuyên môn khác kiêm nhiệm, dẫn tới tình trạng chuyên sâu và hiệu quả công việc không cao. Ví dụ: Tại địa phương tôi hiện nay, công chức Văn phòng - Thống kê được phân công kiêm nhiệm công tác tiếp dân, xây dựng lịch tiếp công dân hàng tháng, bố trí phân công cán bộ tiếp công dân hàng tuần, tiếp công dân đột xuất, trong khi đó công việc chính đảm nhiệm quản lý con dấu quốc huy của Ủy ban nhân dân, Hội đồng dân dân phường. Những lúc có dân đến kiến nghị và có cá nhân, tổ chức đến giao dịch cần đóng dấu thì dẫn tới sự chồng chéo, không hợp lý, người dân đến giao dịch thủ tục hành chính phải chờ, đợi giải quyết tiếp công dân ở phòng tiếp dân. Vì vậy mà bản thân tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp dân gắn với giải quyết nhanh các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Ủy ban nhân dân phường Bách Quang bằng phương pháp kết hợp hài hòa giữa tiếp dân và giải quyết nhanh các thủ tục hành chính thông qua các buổi họp hàng tháng để rút kinh nghiệm. Khi có công dân đến kiến nghị, đề nghị cán bộ tiếp dân cần nhanh chóng lấy thông tin và tìm hiểu nội dung ghi chép giải thích, hướng dẫn người dân, để giải quyết thắc mắc kịp thời, đáp ứng yêu cầu và khẩn trương giải quyết cho người dân đang cần giải quyết thủ tục hành chính, không để người dân đợi, chờ lâu. Đặc biệt, với đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với người dân thì thái độ làm việc được bắt đầu áp dụng “5 xin” trong giao tiếp: Xin chào; Xin lỗi; Xin phép; Xin góp ý; Xin cảm ơn. Thực hiện “4 luôn” khi tiếp xúc: Luôn mỉm cười thân thiện; Luôn nhẹ nhàng, lịch thiệp; Luôn thấu hiểu, chia sẻ; Luôn nhiệt tình-Giúp đỡ. Làm được điều này tôi nghĩ rằng sự hài lòng của người dân sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc tiếp công dân ở một số địa phương còn bộc lộ bất cập như: một số cán bộ, công chức khi được phân công tiếp dân chưa thể hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, chưa nghiên cứu sâu trong công tác tiếp công dân cũng như giải quyết đơn thư nên có lúc xử lý còn lúng túng, thiếu tính chủ động trong công việc được giao. Một số ngành việc theo dõi, đôn đốc, chức năng giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân có lúc chưa kịp thời, chưa thấu đáo. Công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở từng lúc, từng nơi chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, chưa có biện pháp và hình thức phù hợp, tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp vẫn còn. Lý do ở cấp xã thì khối lượng công việc quá nhiều, công chức được phân công tiếp dân chưa được dào tạo chuyên môn, phải kiêm nhiệm nên đáp ứng chưa cao, cùng với khối lượng công việc chủ yếu giải quyết thủ tục quá nhiều nên việc phối hợp linh hoạt giải quyết nhanh thủ tục hành chính còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, để việc tiếp công dân gắn với giải quyết nhanh các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đạt chất lượng, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật ở địa phương, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xây dựng Quy chế tiếp công dân phù hợp với quy định của Pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương. Đặc biệt, việc lựa chọn, phân công cán bộ, công chức tiếp công dân, trực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, am hiểu, nắm chắc tình hình địa phương của mình và lĩnh vực chuyên môn vừa tiếp nhận, vừa tổ chức xác minh, đề xuất tham mưu hướng xử lý kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan với lĩnh vực tiếp công dân. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, cũng như trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân. Tăng cường đôn đốc các bộ phận chuyên môn trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đặc biệt lĩnh vực tranh chấp đất đai. Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và bố trí địa điểm để tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính thuận lợi, lịch sự, … đảm bảo mỗi địa điểm tiếp công dân ở đơn vị là địa chỉ tin cậy, giúp công dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình theo luật định.

Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm ở địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết thấu đáo, các thủ tục hành chính đúng pháp luật, mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân là góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, văn minh vì dân phục vụ ngày càng tốt hơn, lấy sự hài lòng của xã hội làm thước đo hoàn thành  nhiệm vụ. Dưới đây là ảnh Nội quy tiếp công dân của Ủy ban nhân dân phường Bách Quang:

Bên cạnh đó công tác tiếp công dân gắn liền với giải quyết nhanh thủ tục hành chính của bộ phận một cửa tại một số địa phương hoạt động vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế sau:

Mô hình hoạt động bộ phận một cửa chưa rõ ràng do cán bộ kiêm nhiệm, tiếp xúc với nhiều trường hợp người dân, tổ chức tầng lớp khác nhau nên khối lượng công việc nhiều. Tính độc lập và chuyên trách trong hoạt động chưa đảm bảo; chất lượng, hiệu quả giao dịch trên một số lĩnh vực còn hạn chế.

Việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động bộ phận một cửa, cán bộ, công chức trực tại bộ phận một cửa của các cơ quan nhà nước và nhân dân chưa được thực hiện thường xuyên. Trách nhiệm của một số công chức còn hạn chế; tình trạng khép kín trong các khâu như: tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại bộ phận một cửa nhiều lúc thiếu chặt chẽ.

Cơ sở vật chất còn thiếu, trang thiết bị đã cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của bộ phận một cửa và chương trình cải cách hành chính hiện nay.

Sự phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn còn hạn chế, chưa đồng bộ dẫn đến việc thực hiện cơ chế một cửa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và nhiều trường hợp phải kéo dài. Để khắc phục tình trạng trên, cần thiết phải cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông để nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp dân gắn với giải quyết nhanh các thủ tục hành chính.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, hoạt động tiếp công dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực tạo được niềm tin cho đại bộ phận nhân dân. Còn một bộ phận cán bộ làm công tác tiếp dân chưa làm tốt nhiệm vụ chức năng của mình. Hiện tượng thờ ơ, vô cảm, quan liêu hách dịch, nhũng nhiễu, thậm trí còn thách đố: “anh (chị) cứ khiếu kiện thoải mái, chỉ sợ không có sức”… Nhiều trường hợp còn vòi vĩnh, mặc cả gây khó dễ để kiếm phong bì, phong bao; có người mất cả phong bì, phong bao cuối cùng cũng không được việc rồi không biết đòi ai. Người dân cho rằng nỗi khổ nhất là đi làm thủ tục hành chính, nghe đến là đã ngại rồi, chưa muốn nói là sợ, đơn từ phường chuyển đến thành phố rồi lên tỉnh, trung ương sau lại kính chuyển về chỗ ban đầu và không dễ gì mà người đời lại có câu “hành dân là chính”. Thực tế người dân chẳng ai muốn đi khiếu kiện, bởi nó phiền hà, rắc rối, mất tình nghĩa, nhưng có lẽ cực chẳng đã đẩy họ vào nghịch cảnh không thể không khiếu nại. Như câu chuyện rớt nước mắt thu hồi đất khu đô thị Thủ Thiêm, chính quyền cưỡng chế người dân không có nhà ở mất đất hàng chục năm, dự án treo làm nhà thì không được phép, sửa thì không xong, hay câu chuyện vẫn còn nóng hiện nay là xin giấy khai tử… Và những cán bộ làm sai không bị xử lý vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tất cả những điều đó làm cho người dân đi khiếu nại trong tâm trạng rất bức xúc, đứng ngồi không yên, không giữ được bình tĩnh, thậm chí “nói tục”, “chửi thề” là không tránh khỏi. Thực tế là họ coi đến chỗ tiếp công dân để mà “xả” những nỗi bức xúc ấy. Nhưng điều đó tạo ra rất nhiều áp lực, thách thức cho cán bộ tiếp dân. Do đó việc nâng cao trình độ, năng lực cán bộ tiếp công dân góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ được giao, lập lại công bằng, giải tỏa được bức xúc, mang lại niềm tin cho người dân là rất cần thiết.

Theo đó trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hoạt động tiếp dân gắn liền với giải quyết nhanh các thủ tục hành chính. Đây là biểu hiện cụ thể của quan điểm “dân là gốc” của Đảng và Nhà nước ta, góp phần phát huy bản chất “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” “tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân”, xây dựng một xã hội dân chủ. Thông qua công tác tiếp dân, cơ quan nhà nước nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để kịp thời chấn chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ các nội dung không còn phù hợp. Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân, huy động được sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội; đảm bảo việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, quyền giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức nhà nước góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Thông qua công tác tiếp dân tạo ra động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tổ chức, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành của mình, từ đó có những điều chỉnh thích hợp, kịp thời. Làm tốt công tác tiếp dân sẽ hạn chế việc khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, cũng như nhiều bất cập khác của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hoạt động tiếp công dân đặt ra yêu cầu mang tính bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức trong quan hệ với công dân là phải luôn luôn tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ và lắng nghe các ý kiến đóng góp của nhân dân. Do vậy cấp ủy, chính quyền các cấp không thể xem nhẹ hoạt động tiếp công dân mà cử những người không có trình độ, năng lực, những người chỉ biết “gật”; hoặc là những cán bộ dôi dư không bố trí được đến bộ phận tiếp công dân. Thực tế cho thấy đã có những nơi bố trí cán bộ tiếp dân ở loại này, không giải quyết được công việc làm cho người dân ngao ngán không cần đuổi mà tự họ bỏ đi.

Bên cạnh đó, cán bộ tiếp công dân phải có trình độ, năng lực toàn diện và chuyên sâu, có tâm trong sáng vì dân phục vụ; có được như vậy thì không có gì là không làm được, chuyện quay phim, chụp ảnh, ghi âm, nghi hình là chuyện bình thường, mà việc làm này lại giúp họ làm tốt hơn chức trách của mình.

Ngoài ra cán bộ tiếp công dân cần phải có kỹ năng nhất định, trước hết là tạo cho mình sự tự tin vào bản thân, điều này thể hiện bằng những hiểu biết của mình về chủ đề, về người tiếp nhận. Các hình thức giao tiếp qua viết, nói hay các hình thức khác đều bị chi phối bởi giọng điệu của người truyền đạt thông điệp, tính căn cứ của lý luận, những gì được giao tiếp và những gì không nên được đưa vào, cũng như phong cách giao tiếp riêng của cán bộ. Nếu không, sẽ dẫn đến việc thông điệp của mình có thể bị hiểu sai. Cán bộ tiếp công dân phải chào hỏi dân, tự giới thiệu về mình, sau đó hỏi họ tên và công việc người dân cần giải quyết, không để dân phải chờ đợi lâu. Bắt tay là hình thức biểu đạt sự hoan nghênh, thông cảm, sự kính trọng, lúc từ biệt đối với người dân. Bắt tay bày tỏ sự thân thiện, nồng nhiệt, qua đó mối quan hệ giữa hai bên sẽ trở nên gần gũi hơn.

Trong khi tiếp dân: Ngư­ời tiếp dân phải ngồi ngay ngắn, nghiêm túc. Với ánh mắt, nụ cười, nét mặt, cử chỉ thân thiện... phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp lắng nghe người dân trình bày, ghi chép những nội dung cần thiết. Lắng nghe đóng vai trò rất quan trọng trong công việc. Trong giao tiếp, ai cũng thích được người khác lắng nghe, muốn thành công phải biết lắng nghe, đặc biệt là làm lãnh đạo... Lắng nghe giúp ta giải quyết xung đột hiệu quả hơn. Trong mọi tr­ường hợp không đ­ược tỏ thái độ nóng nảy, quát tháo, đập bàn ghế. Không cắt ngang lời ng­ười đang nói. Nếu không thống nhất quan điểm, cách làm việc, nên trao đổi từ tốn, thuyết phục với thái độ nhẹ nhàng, lịch sự. Tránh mọi biểu hiện hách dịch, cửa quyền hoặc không tôn trọng người dân. Thái độ cần thiết trong giao tiếp với công dân: lạc quan, tích cực, chân tình, cởi mở, thể hiện sự sẵn sàng, hợp tác và có thể làm được. Kỹ năng nói có vị trí rất quan trọng trong hoạt động tiếp dân, có tính chất quyết định kết quả của buổi tiếp dân. Khi giao tiếp với công dân, cán bộ tiếp dân phải sử dụng lời nói theo chuẩn mực, theo ngôn từ hành chính đồng thời phải nói chính xác, rõ ràng, không mập mờ, lơ lửng, phải sát với nội dung dân nêu ra. Không nên trình bày dài dòng, nói thiếu mạch lạc, không rõ ràng, không quan tâm đến thái độ của người dân. Đảm bảo chững chạc đàng hoàng tạo sự kính trọng người nghe. Tác phong, thái độ cởi mở, tế nhị và chu đáo, tinh thần hiếu khách, phong cách lịch sự và nghiêm túc là những chuẩn mực giao tiếp quan trọng và cần thiết.

Để tiếp công dân gắn với việc giải quyết nhanh các thủ tục hành chính có hiệu quả thì cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây: Đảm bảo đúng pháp luật về tiếp công dân, giữ vững nguyên tắc trong đối thoại giao tiếp không để cái tôi lấn át công việc; Đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích giữa nhà nước và công dân hay các bên tham gia giao tiếp; Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong giao tiếp; Ứng xử trong giao tiếp phải mang tính dân tộc và phản ánh truyền thống tốt đẹp, với người Việt Nam, nét văn hóa trong giao tiếp thể hiện.

Thứ nhất, để đảm bảo cho bộ phận một cửa tại Uỷ ban nhân dân phường Bách Quang hoạt động độc lập, chuyên trách, liên thông giữa các bộ phận chuyên môn, thành phố và tiến tới chuyên nghiệp hiện đại; tạo bước đột phá mạnh mẽ đối với nhiệm vụ cải cách hành chính của phường Bách Quang, thành phố Sông Công trong những năm tiếp theo, hàng tháng, một cửa và một cửa liên thông có các buổi họp và rút kinh nghiệm trong công tác nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp dân vào ngày cuối tháng, cụ thể họp lúc 16 giờ 00 phút đến 16 giờ 30 phút, ngày 30 hàng tháng, nếu trùng vào ngày nghỉ thì sẽ chuyển sang ngày làm việc tiếp theo, tất cả các đồng chí công tác tại bộ phận một cửa báo cáo kết quả việc thực hiện của tháng trước, những khó khăn, vướng mắc và đề ra phương hướng tuần tiếp theo để biết và bàn bạc cùng tháo gỡ thống nhất cách giải quyết chung. Tháng tiếp theo báo cáo kết quả thực hiện phương hướng trong tuần công việc đã đạt được và chưa được, lý do tại sao để tìm ra nguyên nhân, vướng mắc, khó khăn, đề xuất để chỉ đạo cùng thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thông qua hoạt động của bộ phận một cửa liên thông, các cuộc họp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết công việc; từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời qua đó để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức, các bộ phận chuyên môn, nhất là các cán bộ, công chức trực giao dịch tại bộ phận một cửa: đảm bảo yêu cầu thạo việc, công tâm, có trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính, khả năng giao tiếp với tổ chức và công dân, có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân tận tụy, nhã nhặn; ngăn chặn tình trạng hách dịch, cửa quyền khi giao dịch, giải quyết công việc với tổ chức và công dân.

( Ảnh Nội quy bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả phường Bách Quang)

Thứ hai, áp dụng mô hình 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho cá nhân và tổ chức; 4 tại chỗ: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại bộ phận một cửa; 8 công khai: công khai tên thủ tục; thành phần hồ sơ; trình tự thực hiện; thời hạn thực hiện; điều kiện; cơ sở pháp lý; phí, lệ phí; thông tin liên lạc. Khi triển khai mô hình này đã đặt ra yêu cầu phải có cơ chế hoạt động đổi mới, khác biệt và đạt được hiệu quả, chất lượng cao hơn so với cơ chế giải quyết thủ tục cũ, từ đó đã nghiên cứu xây dựng và chỉ đạo thực hiện theo nguyên tắc có tính xuyên suốt, nhất quán đối với hoạt động của bộ phận một cửa phục vụ hành chính công bảo đảm các thủ tục hành chính được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian, có cơ chế kiểm tra, giám sát, các hoạt động được thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu. Tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và hoạt động của bộ phận một cửa. Nâng cao chất lượng công vụ, ý thức kỷ luật, tinh thần thái độ phục vụ nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức tại ủy ban nhân dân phường. Xây dựng mô hình một cửa liên thông tại Uỷ ban nhân dân phường Bách Quang hoạt động độc lập, chuyên trách và tiến tới chuyên nghiệp theo hướng hiện đại. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm về mô hình, hoạt động và hiệu quả thực hiện thí điểm mô hình một cửa liên thông tại Uỷ ban nhân dân phường để điều chỉnh hoạt động của bộ phận tiếp nhận, trả kết quả đảm bảo phù hợp và hiệu quả.

(Bạn đã biết cách rút ngắn thời gian làm việc hiệu quả? - Ảnh: Internet)

(Mỗi người đều có một đồng hồ sinh học riêng để làm tốt công việc trong thời điểm đó - Ảnh: Internet)

 

(Cán bộ, công chức có kế hoạch cụ thể, biết quản lý thời gian sẽ dễ dàng đạt thành công - Ảnh: Internet)

Thứ ba, các thủ tục, quy trình thời gian giải quyết phải được niêm yết công khai rõ ràng, đầy đủ để mọi tổ chức, công dân được biết. Đặc biệt, các thủ tục rút ngắn thời gian giải quyết cho công dân trước hạn quy định, hướng dẫn công dân bằng phiếu hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ, trong khi công dân, tổ chức, có phiếu khảo sát thái độ phục vụ của người dân, làm cho người dân thấy thân thiện, gần gũi, thoải mái giữa cán bộ và người dân. Hướng dẫn tận tình cho người dân hiểu tránh để người dân phải đi lại nhiều lần. Mọi tổ chức, công dân khi giải quyết công việc thuộc mọi lĩnh vực quy định đều phải qua bộ phận giao dịch một cửa của Uỷ ban nhân dân phường. Nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận giao dịch một cửa. Bộ phận giao dịch một cửa và các bộ phận chuyên môn giải quyết công việc theo đúng quy định. Công chức đảm nhiệm ở bộ phận giao dịch một cửa phải có phẩm chất, năng lực chuyên môn, tận tâm với công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, thái độ lịch sự, thực sự là công bộc của dân. 

( Ảnh Bảng niêm yết công khai Bộ thủ tục hành chính và Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 phường Bách Quang)

Thứ tư là các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động: Đầu tư cải tạo, nâng cấp phòng làm việc và trang thiết bị của bộ phận giao dịch một cửa Uỷ ban nhân dân phường đảm bảo thông thoáng, tiện lợi cho việc giải quyết công việc từng lĩnh vực và nơi công dân ngồi đợi đến lượt giao dịch. Đảm bảo không gian làm việc nghiêm túc, bố trí liên thông giữa các bộ phận, lĩnh vực; đảm bảo đủ điều kiện để công khai các thủ tục hành chính, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện; diện tích phòng làm việc đủ để bố trí phù hợp các vật dụng, như: bàn, ghế, tủ đựng hồ sơ của cán bộ, việc bố trí được chia thành ô cho các bộ phận, lĩnh vực. Khu vực công dân ngồi đợi đến lượt giao dịch. Vị trí niêm yết các thủ tục hành chính và kiểm tra kết quả giải quyết của công dân thuận tiện cho việc tìm hiểu khi đến giao dịch; hệ thống camera kiểm soát của lãnh đạo đối với toàn bộ hoạt động của bộ phận một cửa luôn hoạt động thông suốt. Đầu tư trang thiết bị tại bộ phận một cửa: Nâng cấp và bổ sung các phương tiện làm việc của cán bộ, công chức gồm bàn giao dịch, tủ đựng hồ sơ, tài liệu; bàn để công dân làm giấy tờ, ghế ngồi chờ kết quả giải quyết của công dân. Đầu tư hệ thống trang, thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc như: máy vi tính, máy in, máy scan, máy photocoppy; máy xếp hàng tự động; bảng điện tử tra cứu, hướng dẫn thủ tục hồ sơ; hệ thống quét mã vạch kiểm tra kết quả giải quyết hồ sơ; hệ thống máy tính nối mạng sử dụng các phần mềm tác nghiệp được chuẩn hóa bằng các quy trình ISO 9001:2015. Hệ thống camera bao gồm: máy thu hình, âm thanh để hướng dẫn công dân và kiểm soát lãnh đạo đối với hoạt động của bộ phận một cửa.

 

(Ảnh công dân đợi tới lượt giải quyết thủ tục hành chính tại phường Bách Quang)

Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, công chức thực sự nắm, hiểu rõ công việc, thạo việc và chuyên môn hóa cao thì việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa nói riêng và toàn thể cán bộ, công chức tập trung vào một số nội dung sau: Đào tạo, bồi dưỡng để mỗi cán bộ, công chức áp dụng thuần thục các quy trình quản lý theo TCVN ISO 9001:2015 đã được Uỷ ban nhân dân phường xây dựng, công bố. Bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử hành chính giữa cán bộ công chức với các tổ chức và công dân. Giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân cho mỗi cán bộ, công chức. Tiếp tục đào tạo cán bộ, công chức nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế công tác cũng như giải quyết công việc thường ngày. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được lập kế hoạch thực hiện cụ thể trước khi triển khai sáng kiến và qua hàng năm.

Thứ sáu, biên chế, tổ chức và hoạt động của bộ phận một cửa được bố trí số cán bộ, công chức làm việc theo đúng quy định, là lực lượng cán bộ trẻ, đủ năng lực chuyên môn, trình độ ứng dụng tin học, có phẩm chất đạo đức tốt, Phân công 01 lãnh đạo Uỷ ban nhân dân phường chỉ đạo hoạt động của bộ phận một cửa, trực tiếp phụ trách bộ phận một cửa. Thành lập bộ phận một cửa trực thuộc Uỷ ban nhân dân phường; hoạt động độc lập, chuyên trách dần theo hướng chuyên nghiệp; cán bộ công chức của bộ phận một cửa trực thuộc sự quản lý của Uỷ ban nhân dân phường. Mối quan hệ hoạt động giữa bộ phận một cửa với các bộ phận chuyên môn là mối quan hệ phối hợp công tác trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân thông qua các quy trình quản lý theo TCVN ISO 9001:2015. Bộ phận một cửa có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức và công dân đến giao dịch; đôn đốc và trả kết quả đã giải quyết của các bộ phận chuyên môn cho tổ chức và công dân; kiểm tra các bộ phận chuyên môn giải quyết theo đúng tiến độ, thời gian quy định. Có cơ chế khuyến khích, gắn trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cán bộ công chức làm việc tại đây, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với cán bộ công chức có thái độ sách nhiễu, cửa quyền và các hành vi vi phạm khác.

Thực hiện tốt được những nội dung trên sẽ làm cho hoạt động tiếp công dân ngày càng có hiệu quả hơn, được dân tin, kính trọng gửi gắm những băn khoăn, thắc mắc, cả những bức xúc và lúc này việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình sẽ không còn, từ đó giúp cán bộ tiếp công dân thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. Những việc làm tốt sẽ được nhân dân tôn vinh, ghi công, những việc làm chưa tốt sẽ bị lên án, như vậy quyền công dân được bảo đảm.

(Ảnh Cán bộ và công chức trẻ tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả phường Bách Quang đang miệt mài với công việc)

( Sự hài lòng của người dân đến giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả phường Bách Quang)

Đối với công dân và tổ chức: Bộ phận một cửa liên thông được thực hiện tạo điều kiện cho tổ chức và cá nhân kiểm tra, giám sát các thủ tục, quy trình, lệ phí đóng theo quy định; tiết kiệm được thời gian, công sức và yên tâm, tin cậy vào cơ quan hành chính nhà nước. Cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa phòng làm việc của bộ phận một cửa, có chỗ ngồi thoáng mát, phương tiện hiện đại; công dân và tổ chức khi đến giao dịch được tôn trọng, được phục vụ, thể hiện sự ưu việt của phương thức làm việc mới theo hướng cải cách, phát triển. Giảm phiền hà cho tổ chức, công dân khi có yêu cầu giải quyết công việc tại cơ quan hành chính nhà nước. Góp phần chống tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức. Nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ phục vụ tổ chức, công dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Nâng cao chất lượng công vụ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân.

Đối với Uỷ ban nhân dân phường: Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân phường và các bộ phận chuyên môn sẽ giảm bớt đi những công việc sự vụ; việc kiểm tra, kiểm soát được thực hiện một cách toàn diện, bao quát từ khâu tiếp nhận hồ sơ, kết quả giải quyết công việc tại bộ phận một cửa, đảm bảo chính xác và quản lý chặt chẽ hơn so với trước đây. Các lĩnh vực giao dịch tại bộ phận một cửa sẽ được công khai các thủ tục hành chính, phí, lệ phí trong bảng niêm yết công khai thủ tục hành chính, hướng dẫn thủ tục hồ sơ và hệ thống kiểm tra kết quả giải quyết hồ sơ trên hệ thống phần mềm điện tử một cửa, trang thông tin điện tử; công dân và các tổ chức được phục vụ trực tiếp một dịch vụ hành chính công hiện đại, công khai, dân chủ khẳng định sự minh bạch trong quá trình giải quyết công việc của cán bộ, công chức.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua của phường đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, các cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, giải quyết kịp thời từ đó nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, phát sinh thành điểm nóng, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,... đã gây khó khăn trong quá trình giải quyết khiếu nại. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhỏ người dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng quy định pháp luật. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn cố tình không chấp nhận kết quả giải quyết, khiếu nại kéo dài./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lương Quang Vĩnh
Trực tiếp

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3244480