Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Bảo vệ học sinh trước thực phẩm không rõ nguồn gốc

2023-12-20 10:00:00.0

 

           Nhiều vụ học sinh nghi bị ngộ độc do ăn kẹo “lạ”, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc đã xảy ra tại nhiều địa phương. Dư luận cho rằng cần phát huy sức mạnh tổng hợp trên cơ sở sự vào cuộc các lực lượng với những giải pháp đồng bộ nhằm xử lý các hành vi vi phạm và bảo vệ sức khỏe của học sinh.

 

           Khoảng cuối tháng 11 vừa qua , tại Trường THCS Nguyễn Du (phường Mỏ Chè, TP. Sông Công), một số học sinh có biểu hiện bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn... sau khi ăn kẹo "lạ". Các em học sinh cho biết, trước đó đã mua gói kẹo màu xanh, có chữ nước ngoài, bán ở khu vực cổng Trường Tiểu học Mỏ Chè, cổng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng và một cửa hàng gần Trường THCS Nguyễn Du. Sau khi ăn vào một lúc thì cảm thấy choáng váng, đau đầu và buồn nôn.

 Loại kẹo một số học sinh sau khi ăn bị đâu đầu và buồn ngủ

           Ngay sau khi nhận được thông tin, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã phối hợp kiểm tra các cửa hàng học sinh đã mua kẹo. Qua kiểm tra, Đoàn đã tạm giữ 220 gói kẹo của 1 cửa hàng gần cổng Trường Tiểu học Mỏ Chè. Đây là loại kẹo các học sinh cho biết khi ăn xong xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ.  

           Không chỉ riêng ở thành phố Sông Công, thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước đã diễn ra tình trạng học sinh có các biểu hiện nghi bị ngộ độc do sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Như ngày 27/11, một số học sinh của Trường THCS-THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) mua kẹo ở gần cổng trường đem vào lớp để chia nhau ăn. Đến tối cùng ngày, những học sinh đã ăn kẹo (ở nội trú) có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tê môi. Ngay khi xảy ra sự việc, nhà trường đã thông tin tới cha mẹ học sinh để nắm bắt, theo dõi tình hình sức khỏe của các em. Trước đó, ngày 25/11 đã xảy ra vụ 5 học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo “lạ” có in chữ nước ngoài. Theo đó, trong giờ giải lao buổi trưa, một số học sinh đã mua kẹo ở quán tạp hóa phía sau Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) để ăn. Sau đó, 5 em học sinh xuất hiện biểu hiện nghi ngộ độc như: tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở và nhanh chóng đưa đến Trung tâm Y tế theo dõi

            Năm học mới đi được gần 1 học kỳ nhưng liên tục các vụ ngộ độc thực phẩm ở các trường học đã xảy ra, trong đó nguyên nhân là do các em học sinh ăn kẹo hoặc đồ ăn vặt ngay khu vực cổng trường. Đặc điểm chung của các loại kẹo này là không có nhãn mác, hoặc là có ghi nhãn mác bằng chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, bày bán lộ thiên và được che đậy sơ sài, đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ mất an toàn từ các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Cần có sự quản lý chặt chẽ hơ việc bán hàng rong tại các cổng trường học

           Theo một số chuyên gia, việc sử dụng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, được bán với giá rẻ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của các em học sinh. Nguy hiểm hơn nếu các loại thực phẩm này có chứa các chất gây nghiện, chất cần sa, ma túy,…Do vậy, dư luận cho rằng cần có sự vào cuộc các lực lượng với những giải pháp đồng bộ. Trước hết, các cấp chính quyền cơ sở cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý địa bàn; thường xuyên kiểm tra, thu giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực cổng trường học.

             Đối với các trường học, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, các thầy, cô giáo cần phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh ở cửa hàng tạp hóa, quầy bán hàng rong trước cổng trường để bảo vệ sức khỏe. Tăng cường công tác truyền thông học đường với các hình thức phong phú, sinh động nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trước các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường; kiên quyết “tẩy chay” các loại thực phẩm bẩn. Các ý kiến cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các hành vi cố tình buôn bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người tiêu dùng, nhất là học sinh.

 Lực lượng chức năng kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại 1 quán tạo hóa ở cổng trường tiểu học Lý Tự Trọng

           Thiết nghĩ, bảo vệ học sinh trước thực phẩm không rõ nguồn gốc là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng với những giải pháp động bộ sẽ là cơ sở để ngăn ngừa, chặn đứng các loại kẹo “lạ”, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, qua đó bảo vệ sức khỏe của các em học sinh.

 

CD

 

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3244645