Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Thái Nguyên từ ngày 7/8 đến ngày 13/8/2023

2023-08-13 17:07:00.0

1. Ngày 8/8/2023, UBND tỉnh ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, trong đó tập trung tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung sau:

UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các khu vực đã xảy ra sạt lở; tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất ngay sau lũ.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh chủ động chỉ đạo, điều phối và phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các phương án bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thủy lợi xung yếu. Sở Công Thương chỉ đạo công tác khắc phục nhanh hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn đối với các mỏ khai thác khoáng sản, bãi đổ thải, hồ chứa bùn thải, đặc biệt là đối với các khu vực mỏ có nguy cơ mất an toàn. Đài Khí tượng thủy văn Thái Nguyên tăng cường dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng theo quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

2. Ngày 9/8/2023, UBND tỉnh ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông và lũ quét.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thành phố trước mắt khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho Nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét; tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ có nguy cơ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét; tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu và kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại. Về lâu dài, kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất; nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng; khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức rà soát, chỉ đạo xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở, lũ quét, kỹ năng ứng phó để chủ động sơ tán, di dời trước khi xảy ra sự cố, giảm thiệt hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương và đơn vị khai thác, quản lý triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của Nhân dân; chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định cuộc sống cho người dân…

3. Ngày 8/8/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3911/UBND-CNNXD về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung ứng than cho sản xuất điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Công Thương rà soát, theo dõi việc thực thi pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh than; các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, các bãi tập kết, mua bán than nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng sản xuất, kinh doanh than trái phép và vi phạm về kỹ thuật an toàn trong sản xuất than.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, công bố các khu vực có khoáng sản than phân tán, nhỏ lẻ; chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng đối với các báo cáo thăm dò khoáng sản than đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản than và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than.

Sở Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về việc sắp xếp các vị trí bến cảng, kho bãi kinh doanh than trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Thuế tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh than. UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương, đặc biệt đối với các khu vực có khoáng sản than; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, địa phương phối hợp với các lực lượng liên quan tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện quy định về môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn; kiểm tra các tuyến đường vận chuyển, kho bãi, cảng tập kết than.

Các doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh than thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan; khai thác hợp lý theo đúng quy hoạch, thiết kế được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra thiết bị vận chuyển, kho bãi, cảng tập kết than đảm bảo đáp ứng công tác an toàn, an ninh trật tự; tăng cường quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên diện tích được cấp phép theo quy định; rà soát các công đoạn sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng than trong tất cả các khâu.

Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn than hợp pháp để cung cấp trong suốt thời gian hoạt động của nhà máy; thường xuyên rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng than cho sản xuất để xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy.  

4. Ngày 10/8/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3993/UBND-NC về việc triển khai Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế.

UBND tỉnh yêu cầu: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế tuyên truyền, quán triệt triển khai Nghị định số 29/2023/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của năm sau liền kề báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) trước ngày 30/11 hằng năm; lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện giải quyết tinh giản biên chế và chi trả chính sách cho từng đối tượng tinh giản biên chế; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đối tượng hưởng chính sách tinh giản biên chế theo quy định; định kỳ trước ngày 15/01 hằng năm, tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của năm trước liền kề thuộc phạm vi quản lý báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) theo quy định.

Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; định kỳ trước ngày 05/02 hằng năm, tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của năm trước liền kề thuộc phạm vi quản lý trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính theo quy định.

Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí từ dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm để thực hiện việc chi trả chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế theo quy định. Bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội đối với đối tượng tinh giản biên chế theo quy định.

5. Ngày 10/8/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3960/UBND-KGVX về việc sắp xếp, chỉnh trang cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và tổ chức sở hữu cáp viễn thông trên địa bàn phải có lộ trình sắp xếp, chỉnh trang lại mạng cáp viễn thông hiện có đảm bảo đúng quy định tại Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tình hình, kết quả thực hiện sắp xếp, chỉnh trang cáp viễn thông của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phương án xử lý đối với các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp và các đơn vị liên quan không thực hiện hoặc không phối hợp thực hiện sắp xếp, chỉnh trang cáp viễn thông theo quy định; rà soát, khảo sát, đánh giá hiện trạng việc treo cáp viễn thông tại các tuyến đường, phục vụ công tác quản lý, xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp, chỉnh trang.

Đối với UBND các huyện, thành phố, phải hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc cải tạo, sắp xếp, chỉnh trang các tuyến cáp viễn thông tại địa phương, đặc biệt là các tuyến cột không thuộc tài sản của ngành điện và doanh nghiệp viễn thông. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chủ trương sắp xếp, chỉnh trang cáp viễn thông tới tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty Điện lực Thái Nguyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện chỉnh trang bó gọn, ngầm hóa cáp viễn thông treo trên cột điện lực; căn cứ tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, xây dựng và thông báo thời gian, lộ trình cụ thể thực hiện lắp đặt phụ kiện treo, đỡ bó cáp viễn thông trên từng tuyến đường, phố tới Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện.

Các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức sở hữu, quản lý hạ tầng kỹ thuật cáp viễn thông, cáp thông tin trên địa bàn tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện sắp xếp chỉnh trang, bó gọn cáp viễn thông của đơn vị trên các tuyến cáp, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành…

Kim Oanh (tổng hợp)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3244621